Liên kết website

Thống kê truy cập

Giới thiệu

Lịch sử Đảng bộ xã Thái An, huyện Quản Bạ (1944- 20210)

14/04/2022 03:18 50 lượt xem

Lịch sử Đảng bộ xã Thái An, huyện Quản Bạ (1944- 20210)

HUYỆN ỦY QUẢN BẠ

ĐẢNG BỘ XÃ THÁI AN

        TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ

VÀ NHÂN DÂN XÃ THÁI AN

(1944 - 2010)

Năm 2013

LỜI GIỚI THIỆU

Thái An là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quản Bạ. Trải qua các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong những năm diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và chống đế quốc Mỹ (1954-1975), dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc xã Thái An đã phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng sức đồng lòng cùng nhân dân các dân tộc trên phạm vi cả nước quyết tâm thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến.

Năm 1963, chi bộ Đảng xã Thái An được thành lập đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1963-1975), xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và bảo vệ biên giới phía Tây Nam, phía Bắc của Tổ quốc (1975-1986). Trải qua các giai đoạn cách mạng, chi bộ Đảng xã Thái An luôn kiên định chủ nghĩa Mác -  Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động để lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã tiếp tục thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng (1986-1998). Năm 1999, Đảng bộ xã Thái An được thành lập đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong xã phát huy những kết quả đạt được, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thử thách để giành được những thành tựu trong công cuộc thực hiện đường lối đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hiện nay, trước những điều kiện thuận lợi nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong xã quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra để xây dựng xã Thái An ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần bảo vệ vững chắc vùng đất Hà Giang hoàn thành xuất sắc vai trò là phên dậu trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ mong muốn ghi lại quá trình lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Thái An trong giai đoạn lịch sử (1944 - 2010), để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bồi dưỡng ý chí và tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là giáo dục đạo đức cách mạng cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau trên địa bàn xã. Đồng thời, thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Thái An quyết định biên soạn cuốn sách “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thái An giai đoạn 1944 – 2010”.

Trong thời gian sưu tầm tư liệu, biên soạn hoàn thành nội dung cuốn sách, Ban biên soạn đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của các đồng chí cán bộ, đảng viên qua các thời kỳ cách mạng và sự cung cấp những tư liệu lịch sử của những người thân trong gia đình các đồng chí nguyên là cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa. Những ý kiến đóng góp, những tư liệu lịch sử quý báu đã giúp Ban biên soạn có căn cứ khoa học để hoàn thành nội dung cuốn sách “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thái An giai đoạn 1944 – 2010”.

Tuy nhiên, cuốn sách “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thái An giai đoạn 1944 – 2010” được Ban Biên tập biên soạn lần đầu, nên nội dung cuốn sách sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, do tư liệu thành văn bị thất lạc, hư hỏng nhiều; các đồng chí lão thành cách mạng tuổi đã cao nên trí nhớ có phần giảm... Rất mong bạn đọc trong và ngoài xã sẽ có những góp ý để cùng khắc phục những hạn chế, thiếu sót đồng thời để nội dung cuốn sách ngày càng được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.

Ban chấp hành Đảng bộ xã Thái An xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Thái An giai đoạn 1944 – 2010”.

T/M Ban Chấp hành Đảng bộ

Bí thư

Ly Văn Minh

Phần Một

KHÁI QUÁT VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ

XÃ HỘI 

Thái An là một xã vùng cao núi đá, thuộc khu vực cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Về vị trí địa lý, xã nằm ở phía Đông của huyện Quản Bạ và cách trung tâm huyện 28 km. Phía Tây giáp xã Đông Hà. Phía Bắc giáp xã Lùng Tám. Phía Đông giáp xã Đường Thượng, Ngam La (huyện Yên Minh). Phía Nam giáp xã Thuận Hòa, Tùng Bá (huyện Vị Xuyên). Có tổng diện tích tự nhiên là 4.671 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp 606,99 ha: diện tích rừng 2.886,4 ha, còn lại là đất khác.

Địa hình của xã tương đối hiểm trở, phức tạp bị chia cắt bởi nhiều khe suối, đồi núi và được chia thành 2 vùng khá rõ rệt: vùng núi cao và đồi núi thấp. Xen kẽ giữa hai vùng này là những thung lũng nhỏ, khe suối và các tràn ruộng bậc thang.

Vùng núi cao nằm ở phía Đông, Nam và phía Bắc của xã, chiếm phần lớn diện tích so với vùng đồi núi thấp và bao gồm nhiều dãy núi cao liên tiếp. Các sư­ờn đồi núi cao có độ dốc trung bình từ 25 độ trở lên và có độ cao trung bình trên 1.200m so với mặt nước biển (Đặc biệt có ngọn núi Pu Tha Ka (Ba Tiên) có độ cao 2.043m là ngọn núi cao nhất trong khu vực này). Khu vực núi cao này gồm có nhiều hang động sau rộng (những hang động này là một địa điểm rất độc đáo và đã trở thành nơi phong trào cách mạng được xây dựng đầu tiên của huyện Quản Bạ). Ngày nay, khu vực vùng núi cao được trở thành những vùng đất trồng các loại cây như: cây dược liệu, cây thảo quả, cây trúc sào... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong xã.

Vùng đồi núi thấp của xã chiếm diện tích nhỏ hơn. Hiện nay, người dân đã cải tạo trở thành nơi canh tác, sản xuất các cây lương thực như: ruộng lúa, nương ngô... và trồng các cây củ, đậu. Ngoài ra, diện tích đất ở khu vực này phù hợp với trồng các loại cây ăn quả: mận, lê, đào... cho giá trị kinh tế cao và trở thành thế mạnh của xã.

Về nguồn nước, trên địa bàn xã có những con suối nhỏ dưới các chân núi. Đây chính là nguồn nước chính để phục vụ cho sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân trên địa bàn xã, nhưng có suối có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước tưới tiêu cho các khu ruộng bậc thang của xã. Đặc biệt có con sông Miện chảy qua địa bàn xã với địa hình phù hợp với phát triển thủy điện, nên nay trên địa bà xã đã có một nhà máy thủy điện Thái An với công suất là 82MKW, đã được hòa với mạng lưới điện Quốc Gia (năm 2010).

Khí hậu của xã là khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hư­ởng của khí hậu lục địa Nam Trung Quốc. Lượng mưa trung bình 1500 - 3000 mm/năm. Khu vực xã Thái An có 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa khô (mùa đông lạnh) kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ vùng này mùa đông có năm xuống thấp nhất là 0oC, đặc biệt là vào mùa khô, lượng mưa thấp đã gây nên tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Mùa mưa (mùa hè) kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9. Vào mùa mưa, lượng mưa tập trung rất lớn, gây sạt lở và lũ quét, sói mòn đất làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nhân dân. Nhiệt độ cao nhất vào mùa hè là 32oC.

Về thực vật, trước đây xã Thái An là nơi nổi tiếng có rừng nguyên sinh và hiện nay số rừng nuyên sinh vẫn còn có số diện tích khá nhiều với nhiều loại gỗ quý như­: cây xến, Pơ mu, Ngọc am, Thông đỏ, Bách xanh... các loài thực vật được sinh trưởng và phát triển trên địa bàn xã còn khá phong phú như: cây ngọc lan, phong lan; các loại cây ăn quả như trám đen, trám trắng, dâu da...Hiện nay, các loài thực vật được sinh trưởng và phát triển trên địa bàn  đây là nguồn thức ăn và hàng hóa đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân địa phư­ơng. Bên cạnh đó, có nhiều loại cây được nhân dân sử dụng làm dược liệu, xây dựng nhà, chế tác thành đồ dùng trong nhà, phư­ơng tiện sản suất.

Về động vật, trước đây trên địa bàn xã có nhiều loại chim thú quý hiếm như: ­hổ, báo, lợn rừng, hươu, nai, gấu, trăn... Hiện nay, chủ yếu còn có loài khỉ sinh sống. Do đó, rất cần có những biện pháp bảo tồn và phát triển loài vật này.

Như vậy, Thái An là một xã có điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt, có những khó khăn nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Trước đây, xã Thái An là vùng đất thuộc huyện Bình Nguyên (Tuyên Quang). Năm 1835, vua Minh Mệnh thứ 16 (năm 1835) cắt phần đất nằm ở hữu ngạn sông Lô thành lập huyện mới lấy tên là Vĩnh Tuy (sau đổi thành Bắc Quang). Phần đất còn lại là huyện Vị Xuyên với 5 tổng và 31 xã.

Năm 1884, thực dân Pháp kéo quân đánh chiếm Hà Giang, nhân dân các dân tộc nơi đây đã kiên quyết đứng lên chống lại cuộc xâm chiếm của thực dân Pháp. Trước tinh thần đấu tranh kiên cường của các dân tộc nơi đây, đến năm 1887, thực dân Pháp mới căn bản chiếm được Hà Giang. Sau khi đánh chiếm các tỉnh miền núi Bắc Kỳ, thực dân Pháp đặt các địa phương này dưới sự chế độ “quân sự quản chế”. Vùng đất Hà Giang thuộc khu quân sự thứ II, trụ sở của khu đặt tại Lạng Sơn.

Ngày 20/8/1891, thực dân Pháp đã chia khu quân sự thứ II thành 3 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Toàn bộ phủ Tương Yên, trong đó có châu Vị Xuyên nằm trong địa phận của tỉnh Hà Giang. Về sau huyện Vị Xuyên chia thành hai huyện là Hoàng Su Phì và Vị Xuyên (vùng Quản Bạ thuộc huyện Vị Xuyên được gọi là tổng Quản Bạ gồm có 7 xã), trong đó có xã Thái An ngày nay.

Trước 1949, xã Thái An bao gồm 3 thôn Lùng Hậu, Cán Hồ và Séo Lủng (trong thời gian này, vùng này thường được gọi là Séo Lủng). Ngày 16 tháng 9 năm 1949, Ủy ban Kháng chiến Liên khu 10 đã ban hành Quyết định số 433-QĐ/HC về việc thành lập xã lấy tên là xã Thái An. Từ khi thành lập xã chỉ có 3 thôn, đến nay xã Thái An có 6 thôn gồm: thôn Lùng Hậu, Séo Lủng I, Séo Lủng II, Cán Hồ, Lô Lố Thàng I, Lô Lố Thàng II.

Xã Thái An trong những ngày đầu mới được thành lập chỉ có 1 dân tộc sinh sống là dân tộc Mông. Đến năm 1995, trên địa bàn xã đã có 4 dân tộc cùng sinh sống (Mông, Nùng, Dao, Giấy). Trong đó, dân tộc Mông chiếm đa số trên 97%, còn lại là các dân tộc khác chiếm 3% dân số của toàn xã (năm 2010). Trước đây, dân số của xã còn thưa thớt. Đến nay, dân số trên địa bàn xã đã phát triển hơn 440 hộ, với hơn 2.362 nhân khẩu.

Đã bao đời nay, đồng bào nhân dân các dân tộc xã Thái An cư trú theo quan hệ huyết thống và sống xen kẽ với nhau. Dù cư trú theo hình thức nào, nhân dân Thái An vẫn giữ vững truyền thống đoàn kết yêu thương nhau, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất đồng thời có truyền thống yêu nước nồng nàn. Đó chính là cơ sở để xã Thái An ngày càng phát huy tinh thần cộng đồng cùng chinh phục điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đấu tranh chống giặc ngoại xâm để sinh tồn và phát triển.

Trong lao động sản xuất, khắc phục những điều kiện tự nhiên tương đối khắc nghiệt, nhân dân các dân tộc trong xã đã khai phá, cải tạo đất đai thành những thửa ruộng bậc thang, nương rẫy để canh tác. Đồng thời, nhân dân xã Thái An đã đoàn kết để xây dựng những con mương đưa nước về, cung cấp cho việc canh tác sản xuất lúa trên các thửa ruộng bậc thang. Trải qua nhiều năm tháng lao động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi… đã trở thành nghề chính của nhân dân.

Nhân dân các dân tộc xã Thái An có những nét văn hóa rất đặc trưng và lôi cuốn nhiều du khách khi đặt chân đến mảnh đất này. Trong quá trình lao động sản xuất, người dân đã phát triển nét văn hóa thuộc loại hình nghệ thuật truyền miệng từ đời này qua đời khác về những câu tục ngữ, ca dao, chuyện cổ tích thần thoại giải thích nguồn gốc dân tộc đồng thời phản ánh khát vọng chinh phục tự nhiên, vươn lên trong cuộc sống,­ chiến thắng giặc ngoại xâm. Trên địa bàn xã còn có những nghệ nhân thể hiện các điệu múa khèn độc đáo, các bài hát đối, hát giao duyên, hát đón dâu trong các lễ hội, đặc biệt  là các lễ hội xuân. Đồng thời, với đặc trưng của nền kinh tế tự cung, tự cấp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu cho đời sống, nhân dân Thái An rất khéo léo trong nghề thủ công như: đan lát mây tre đan, trồng bông, trồng lanh dệt vải... để tạo nên những bộ y phục dân tộc tinh sảo và đẹp mắt, với những hoạ tiết, hoa văn phản ánh chân thực và sinh động đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc trên địa bàn xã.

Về phong tục tập quán, nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã đều có phong tục thờ cùng tổ tiên. Bên cạnh đó, mỗi dòng họ, nhóm hộ còn tổ chức việc thờ cúng một thần linh riêng nhằm cầu cho mùa màng bội thu, cầu cho anh em trong dòng tộc được mạnh khỏe.

Trong thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, can thiệp Mỹ (1945-1954) và đấu tranh chống đế quốc Mỹ (1954-1975), cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc, nhân dân các dân tộc xã Thái An đã có nhiều thanh niên xung phong tình nguyện tham gia đội du kích chiến đấu chống giặc ngoại xâm, góp phần cùng nhân dân cả nước giành được thắng lợi cuối cùng.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, qua quá trình lao động sáng tạo, chinh phục tự nhiên không mệt mỏi, con ng­ười nơi đây đã tạo dựng cho mình một thế ứng xử với tự nhiên - xã hội để tồn tại và không ngừng phát triển. Trong quá trình phát triển ấy, đồng bào nhân dân các dân tộc xã Thái An đã tạo ra những nét bản sắc văn hóa riêng của từng dân tộc nhưng được thống nhất trong một cộng đồng. Nhờ đó đã tạo ra một tinh thần đoàn kết, tư­ơng trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất và trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần này ngày càng đư­ợc khơi dậy và phát huy mạnh mẽ kể từ khi có Đảng lãnh đạo, soi sáng con đường cách mạng.

Ma Chung

Tin khác